Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: Ngành Du lịch đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ nhân dân
VHO- Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng thu của ngành Du lịch trong 5 tháng đầu năm đã giảm gần 50% so với cùng kỳ. Điều đó đòi hỏi du lịch Việt Nam cần có những giải pháp kịp thời để ngành công nghiệp không khói có thể “cất cánh” trở lại.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại phiên thảo luận
Tham gia thảo luận tại Hội trường Quốc hội vào cuối tuần qua về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã đề xuất hai giải pháp quan trọng để hồi phục ngành Du lịch, đó là tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa và theo dõi sát diễn biến đại dịch Covid-19 trên thế giới để từng bước khôi phục thị trường quốc tế.
Du lịch nội địa mới phục hồi bước đầu
Số lượng thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu, giảm hơn 50% so với cùng kỳ, lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5%, tổng thu du lịch giảm gần 50% so với cùng kỳ. Đáng chú ý con số 3,7 triệu lượt khách quốc tế đã bao gồm 2 triệu khách đến Việt Nam trong tháng 1 khi đại dịch Covid chưa hoành hành, tháng 2 chỉ còn hơn 1 triệu, tháng 3, tháng 4 không có khách quốc tế. Trong quý I, có 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đã dừng hoạt động, số doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh quốc tế giảm 48%, công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với cùng kỳ. Trong tháng 3, tháng 4, các khách sạn, cơ sở lưu trú cơ bản dừng hoạt động.
Sau khi nước ta kiểm soát được dịch bệnh và để “giải cứu” ngành Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 19 trong đó cho phép khởi động trở lại các hoạt động du lịch nội địa. Thủ tướng cũng đã trực tiếp tuyên bố khởi động lại thị trường du lịch nội địa tại Quảng Ninh vào ngày 24.5. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch thực hiện “Chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của hầu khắp các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu, tổ chức kết nối doanh nghiệp, hợp tác về du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi, giải trí, tạo các sản phẩm kích cầu với nhiều ưu đãi, giá cả hợp lý. Chính vì vậy, trong tháng 5 du lịch nội địa bắt đầu phục hồi, doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 780% sau tháng 4 nhưng giảm 90% so với cùng kỳ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, kích cầu du lịch nội địa là điểm tựa, bà đỡ, là nền tảng để du lịch nước nhà phát triển nhanh. Trong ảnh: Một góc biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) Ảnh: T.L
Dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, nhiều địa phương đã ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh như vịnh Hạ Long, bãi biển Sầm Sơn, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Vũng Tàu, Đà Lạt... Đặc biệt, vào dịp cuối tuần, tại các điểm du lịch, công suất phòng khách sạn, các khu nghỉ dưỡng ven biển đều khá cao, đạt 70%-80%. “Tuy nhiên, du lịch nội địa cũng chỉ mới phục hồi bước đầu và cũng rất yếu ớt, cần có các giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Hai giải pháp để “cứu” ngành Du lịch
Trước thực trạng thiệt hại nặng nề của ngành Du lịch do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã đề xuất hai giải pháp để phục hồi ngành công nghiệp không khói này. Giải pháp đầu là tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, “coi đây là điểm tựa, là bà đỡ, là nền tảng để phục hồi nhanh ngành Du lịch”. Cụ thể là từ tháng 5, tháng 6 và các tháng tiếp theo, ngành Du lịch cùng các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch như chương trình kích cầu du lịch nội địa TP.HCM với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; kích cầu du lịch từ thực tiễn của Hội An liên kết du lịch Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng; các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương khác, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa... đã, đang khởi động việc liên kết phát triển.
Du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn thứ nhất với việc khôi phục thị trường nội địa
“Có thể nói rằng, tất cả các địa phương trên cả nước đã, đang triển khai các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch với các giải pháp làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng du lịch và lan tỏa thông điệp Việt Nam an toàn trên thế giới để chúng ta có thể đón khách quốc tế sớm nhất có thể. Đơn cử, vừa qua Đà Nẵng tiến hành quảng bá, giới thiệu sức hấp dẫn về du lịch của địa phương này trên đài BBC. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa. Tại diễn đàn này, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cũng như truyền đi thông điệp người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, chúng tôi khẳng định ngành Du lịch Việt Nam đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ nhân dân cả nước đi du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là chúng ta sẽ phục hồi và phát triển du lịch một cách toàn diện hơn. Tức là phải thực hiện nghiêm các giải pháp của Thủ tướng về kích cầu du lịch nội địa và bám sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới để từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Trong cuộc họp ngày 9.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ồ ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước. Bảo vệ sức khỏe của nhân dân luôn là ưu tiên hàng đầu, kể cả phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt. Cho nên chúng tôi sẽ luôn bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới để cùng phối hợp với các Bộ, ngành để tham mưu cho Thủ tướng theo hướng chúng ta có thể mở cửa từng bước”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, để hồi phục du lịch hoàn toàn cần trải qua 4 giai đoạn. Thứ nhất là chỉ diễn ra du lịch nội địa. Thứ hai sẽ thí điểm đón khách quốc tế trên cơ sở trao đổi khách song phương giữa một số quốc gia an toàn. Thứ ba, trên cơ sở đó sẽ mở rộng ra một số quốc gia, khu vực để thực hiện trao đổi khách quốc tế. Thứ tư, các hoạt động đón khách quốc tế trong nước sẽ diễn ra bình thường. “Hiện chúng ta đang nằm ở giai đoạn thứ nhất và để du lịch phục hồi hoàn toàn thì còn rất dài, phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19 trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định cuộc cạnh tranh khách du lịch quốc tế sau dịch sẽ rất khốc liệt, bởi vì tất cả các nước đều tranh thủ thời cơ. Và du lịch Việt Nam đang nỗ lực cho thời cơ đó”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.
Không có lý do nào để không đi du lịch trong nước Đất nước ta có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, độc đáo, văn hóa đa dạng, phong phú, ẩm thực hấp dẫn, cơ sở hạ tầng về khách sạn, khu nghỉ dưỡng không thua kém các nước phát triển, giá cả hợp lý. Minh chứng rõ nhất là Du lịch Việt Nam trong năm 2019 đạt được nhiều giải thưởng quý. Đó là Điểm đến hàng đầu châu Á trong 2 năm 2018-2019; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến thành phố văn hóa Hội An hàng đầu châu Á 2019 cùng với rất nhiều giải thưởng du lịch quốc gia. Hàng loạt khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, điểm đến, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành trong nước cũng được vinh danh và nhận giải thưởng. Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất. Chính vì vậy cho nên không có lý do gì để chúng ta không đi du lịch trong nước. Tại diễn đàn quan trọng này, thay mặt ngành VHTTDL, tôi trân trọng đề nghị và kính mời đồng bào và nhân dân cả nước đi du lịch trong nước. (Bộ trưởng Bộ VHTTDL NGUYỄN NGỌC THIỆN) |
THU SÂM; ảnh: TR.HUẤN